Chú thích Nhạc_Chung_Kỳ

  1. Nhập ti nghĩa là nộp tiền để chuộc tội hoặc mua quan chức
  2. Đệ ba (chữ Hán: 第巴, chữ Tạng: སྡེ་སྲིད, chuyển ngữ Wylie: sde-srid) là chức danh mà nhà Thanh dành cho cấp bậc tù trưởng, đầu mục, thủ lãnh của các bộ lạc dân tộc Tạng
  3. La Bặc Tạng Đan Tân (chữ Hán: 罗卜藏丹津, chữ Tạng: བློ་བཟང་བསྟན་འཛིན, chuyển ngữ Wylie: blo bzang bstan 'dzin) là cháu nội của Cố Thủy hãn (Güshi khan), chú của Lạp Tạng hãn (Lhasang khan) của Hòa Thạc Đặc hãn quốc (Khoshut khanate). Cố Thủy hãn là người Vệ Lạp Đặc Mông Cổ (Oirat), đã sáng lập ra Hòa Thạc Đặc hãn quốc – một chánh quyền quân sự bảo hộ Tây Tạng (trong khi Đạt Lai lạt ma vẫn quản lý dân sự của Tây Tạng) chống lại Chuẩn Cát Nhĩ hãn quốc. Sau khi Lạp Tạng hãn bị Sách Lăng Đôn Đa Bặc giết chết, La Bặc Tạng Đan Tân mong đợi nhà Thanh đưa mình lên ngôi Hãn, nhưng Khang Hi đế lại tổ chức một chánh quyền kiểu Tam đầu chế gồm các bề tôi cũ của Lạp Tạng hãn, mượn danh nghĩa trợ giúp Đạt Lai lạt ma quản lý Tây Tạng, triệt để thủ tiêu Hòa Thạc Đặc hãn quốc. Năm 1723, La Bặc Tạng Đan Tân kêu gọi người Mông Cổ ở Thanh Hải nổi dậy
  4. Hỗ thị (互市) là khu vực tiến hành mậu dịch của vương triều trung ương với thương nhân ngoại quốc hoặc dị tộc trong lịch sử Trung Quốc. Tất cả các bên tham gia vào giao dịch nào với người ngoài mà không thông qua Hỗ thị đều phải chịu tội chết
  5. Núi Nhật Nguyệt (chữ Hán: 日月山, Nhật Nguyệt sơn; chuyển tự tiếng Tạng: 尼玛达哇/Ni Mã Đạt Oa/Nyima Dawa La; chuyển tự tiếng Mông Cổ: 那喇萨喇/Na Lạt Tát Lạt hay 纳喇萨喇/Nạp Lạt Tát Lạt) là một ngọn núi nằm cách huyện Hoàng Nguyên, địa cấp thị Tây Ninh, Thanh Hải 40 dặm về phía tây, thuộc dãy Kỳ Liên sơn. Ngọn núi này nằm trên con đường Tơ lụa, được xem là giới tuyến tự nhiên của 2 cuộc sống: văn minh và du mục
  6. Sát Hãn Đan Tân và Ngạch Nhĩ Đức Ni Ngạch Nhĩ Khắc Thác Khắc Thác Nãi đều tù trưởng thành viên của Hòa Thạc Đặc hãn quốc. Cuối thời Khang Hi, cả hai được phong Đa la bối lặc; sau khi La Bặc Tạng Đan Tân nổi dậy, Ung Chánh đế lần lượt phong Sát Hãn Đan Tân làm thân vương, Ngạch Nhĩ Đức Ni Ngạch Nhĩ Khắc Thác Khắc Thác Nãi làm quận vương
  7. Đinh ngân tức là thuế đinh. Đây là Chung Kỳ tích cực hưởng ứng chánh sách Than đinh nhập mẫu (摊丁入亩) của Ung Chánh đế, còn được gọi là Than đinh nhập địa (摊丁入地) hay Địa đinh hợp nhất (地丁合一). Chánh sách này phế trừ thuế đinh, đem số thuế đinh ở địa phương chia đều cho số ruộng, tức là những người có ruộng sẽ phải chịu số thuế đinh ấy, ai không có ruộng thì được miễn. Bài viết nhấn mạnh yếu tố thời gian, vì không phải tỉnh nào ở thời ấy cũng được hưởng chánh sách nhân đạo này (hoặc muộn hơn rất nhiều)
  8. Cải thổ quy lưu (改土归流) là chánh sách phế bỏ Thổ tư, bổ nhiệm Lưu quan, nhằm thu lấy quyền tự trị của Thổ tư trả về nhà nước
  9. Châu trực lệ (直隶州, Trực lệ châu) là một trong những đơn vị hành chánh đời Thanh. Về cấp, châu trực lệ ngang hàng với phủ và Trực lệ sảnh, nhưng Trực lệ sảnh hầu như không có huyện, châu trực lệ có ít huyện hơn so với phủ (đôi khi cũng không có huyện như Trực lệ sảnh)
  10. Đề bổ (题补) cơ chế bổ dụng dành cho quan lại cấp thấp (thường là ở một số địa phương cách xa trung tâm hành chính) vào đời Thanh. Trong điều kiện cho phép, trưởng quan có thể trực tiếp bổ nhiệm hoặc tổ chức ứng cử đơn giản cho vị trí đang khuyết ở cơ quan của mình
  11. Mục xưởng (牧厂) là trại nuôi gia súc (mục trường) vào đời Thanh, bên ngoài xây tường bao (thành) và trồng liễu
  12. Tạp luân (chữ Hán: 卡伦, chữ Mông Cổ: ᡴᠠᡵᡠᠨ, chuyển âm La Tinh: karun) nghĩa là “đài” hoặc “trạm”. Tạp luân là tiền đồn được nhà Thanh thiết lập ở biên thùy, thường do 1 sáo coi giữ. Sáo là đơn vị có chừng trăm người, nhưng tùy mức độ trọng yếu của tạp luân mà nhân số thay đổi, thậm chí có nơi chỉ là vài người
  13. Thổ xá (土舍) là thuộc quan của Thổ tư
  14. Lao sư mi hướng (劳师糜饷; lao: vất vả, sư: quân đội, mi: nát nhừ, hướng: tiền lương) là thành ngữ chỉ việc gây vất vả cho tướng sĩ, hao hụt chi phí của quân đội
  15. Hiệu chỉ (号纸) là giấy xác nhận quyền thừa kế của thổ tư vào đời Minh – Thanh, trên đó ghi rõ dòng dõi và chức hàm của thổ tư đương nhiệm